ĐIỀU KIỆN BÁN NHÀ KHÔNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Bán nhà mà không chuyển nhượng quyền sử dụng đất được không?
Căn cứ pháp lý: Luật nhà ở năm 2014
Nghị định 43/2014/NĐ-CP
Hiện nay hoạt động mua bán nhà ở ngày càng diễn ra phổ biến, tuy nhiên các bên trong quan hệ mua bán cần phải quan tâm đến các điều kiện mà luật nhà ở quy định để có thể chuyển nhượng nhà ở hợp pháp. Quy định của Luật nhà ở về điều kiện của nhà ở khi tham gia giao dịch mua bán và điều kiện của các chủ thể trong quan hệ mua bán nhà ở như sau:
Điều kiện của nhà ở khi tham gia giao dịch mua bán
Nhà ở muốn tham gia vào giao dịch mua bán phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 118 Luật nhà ở năm 2014 và khoản 4 Điều 31 nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:
- Có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là người sử dụng đất ở để được chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (Sổ đỏ) thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu nhà ở, phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng nhà ở đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất.
- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền. Các điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này không áp dụng đối với trường hợp mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Điều kiện của người bán
Theo khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở 2014, bên bán nhà ở phải có điều kiện sau:
- Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
- Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
Điều kiện của bên mua nhà
Theo khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2014, bên mua nhà ở phải có điều kiện sau:
- Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
- Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên có thể thấy khi có nhu cầu bán nhà chỉ cần đáp ứng đủ các điều kiện trên và không cần phải chuyển nhượng luôn quyền sử dụng đất. Đồng thời theo quy định trên có thể thấy người bán nhà là chủ sở hữu nhà ở cũng không cần là người có quyền sử dụng đất mà vẫn có thể chuyển nhượng nhà ở cho người khác. Do đó có thể bán ngôi nhà cho người khác mà không cần phải chuyển nhượng luôn quyền sử dụng mảnh đất đó.
PHÒNG TRANH TỤNG – CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM (ĐLSTPHN)
ĐT tư vấn: 0982.415.458 (Ls Tú) – 024.32.899.888 (#13)
Email: tunt@vietkimlaw.com – m3.vietkimlaw@gmail.com
WWW.VIETKIMLAW.COM l Tel: 024.32.899.888
Hà Nội: Tầng 9, tòa nhà CT5 KĐT Mỹ Đình – Sông Đà, đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, HN – Hot: 0975.999.836
HCM: P1501 – CC Thái An 1, đường Nguyễn Văn Quá, Q12, HCM – Hot: 0942.777.836