LUẬT SƯ ĐỖ HỮU ĐĨNH: Vụ án Bầu Kiên trả hồ sơ điều tra bổ sung là có sơ sở - Báo Đời sống & Pháp luật - luatvietkim
Trụ sở chính: Tầng 9 - PL4, toà nhà CT5 KĐT Mỹ Đình Sông Đà, Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đoàn luật sư TP Hà Nội
Công ty luật Việt Kim
LUẬT SƯ ĐỖ HỮU ĐĨNH: Vụ án Bầu Kiên trả hồ sơ điều tra bổ sung là có sơ sở – Báo Đời sống & Pháp luật

Ls Đĩnh: Vụ án Bầu Kiên trả hồ sơ điều tra bổ sung là có cơ sở – Báo Đời sống & Pháp luật

Ls Đĩnh: Vụ án Bầu Kiên trả hồ sơ điều tra bổ sung là có cơ sở - Báo Đời sống & Pháp luật

 (ĐSPL) – TAND TP. HN vừa ra quyết định trả hồ sơ vụ bầu Kiên để điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan. Tuy nhiên ngay trước đó, cựu PCT HQĐT Ngân hàng ACB đã rời khỏi Việt Nam.
Vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) do bầu Kiên “cầm đầu” nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận. Đặc biệt, ngày 3/1, TAND TP. HN ra quyết định số 02/HSST-QĐ trả lại hồ sơ vụ án này để tiến hành điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh (Công ty Luật Việt Kim).
Trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết
– Thưa luật sư, việc VKS đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau đó TAND TP.HN lại ra quyết định trả hồ sơ đề điều tra bổ sung, có nhiều ý kiến cho rằng cần điều tra bổ sung vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm? Quan điểm của cá nhân luật sư?
Căn cứ vào các thông tin tôi nắm được, thì theo tôi, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án HN là hoàn toàn có cơ sở, dựa trên những lí do sau đây:
Thứ 1: về mặt thẩm quyền, Thẩm phán sẽ có quyền ra QĐ trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung khi: “có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm 1 tội khác hoặc có đồng phạm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 179 của BLTTHS 2004.
Thứ 2: Về mặt nội dung vụ án, vụ án có 3 điểm quan trọng mà Tòa đã đưa ra nhằm xác minh “yếu tố đồng phạm” trong vụ án của 1 số cá nhân khác.
Trong đó, xét về vai trò, trách nhiệm của ông Phạm Trung Cang trong việc tham gia với tư cách là thành viên HĐQT ACB để đưa ra chủ trương dùng tiền huy động của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền vào Tổ chức tín dụng khác (ở đây có Vietinbank) gây thiệt hại cho ACB. Hành vi này của Cang không thể có sự khác biệt với hành vi của các Thành viên khác trong HĐQT.
Đồng thời, sau khi từ nhiệm thành viên HĐQT, Cang vẫn có những vai trò nhất định trong các hoạt động ủy thác tiền gửi và gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB nói trên.
Như vậy, việc không điều tra truy tố Cang để giao cho Tòa án xét xử là một sự thiếu sót của VKS.

Vụ bầu Kiên: Viện kiểm sát thiếu sót hay Tòa quá cẩn thận? - Ảnh 1

Luật sư Đỗ Hữu Đĩnh cho rằng điều tra thêm về ông Huỳnh Quang Tuấn là cần thiết để đảm bảo không bỏ lọt tội phạm.
Về vai trò, trách nhiệm của ông Huỳnh Quang Tuấn – người kế nhiệm của ông Cang. Mặc dù ông Tuấn tuy không trực tiếp ký vào Biên bản HĐQT ra chủ trương ủy thác vốn hồi tháng 03/2010 nhưng Tuấn biết rõ chủ trương này, và có vai trò khá lớn trong quá trình thực thi sau đó, đặc biệt là việc Tuấn đã ký vào biên bản của HĐQT hồi 06/2011 có nội dung ủy thác tiền gửi.
Như vậy, việc cần xác điều tra thêm về Tuấn là cần thiết để đảm bảo ko bỏ lọt tội phạm.
Về hành vi cấp tín dụng mua cổ phiếu ACB: cả HĐQT của ACB đều đồng thuận ra chủ trương cấp tín dụng cho CT Chứng khoán ACB, thì việc này, cần xem xét vai trò, trách nhiệm của đầy đủ các thành viên của HĐQT, bởi HĐQT là cơ quan được hoạt động theo nguyên tắc tập thể.
Việc VKSTC chỉ truy tố Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ là chưa đầy đủ và có khả năng bỏ lọt các đồng phạm khác.
Qua đó, tôi thấy rằng, việc đưa ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án HN là hết sức cần thiết đối với vụ án phức tạp này nhằm đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, và đặc biệt không để bỏ lọt tội phạm, thiếu công bằng trong điều tra, truy tố và xét xử.

Vụ bầu Kiên: Viện kiểm sát thiếu sót hay Tòa quá cẩn thận? - Ảnh 2

Vụ Ngân hàng ACB: VKS thiếu sót hay Tòa quá cẩn thận?

– Trước đó, vào ngày 23/12/2013, ông Phạm Trung Cang đã xuất cảnh ra nước ngoài và cho đến thời điểm này, ông ấy vẫn không có mặt tại Việt Nam. Vấn đề này pháp luật sẽ giải quyết như thế nào?Trường hợp ông Cang vẫn tiếp tục bị điều tra, truy tố, và đưa ra xét xử, thì việc ông Cang không có mặt ở VN sẽ có 2 vấn đề phát sinh như sau:

Thứ nhất, quá trình triệu tập điều tra, giao giấy tờ triệu tập, hoặc giao quyết định của tòa án. Việc này, nếu không thể gửi trực tiếp cho ông Cang, thì Cơ quan Điều tra, VKS hoặc Tòa án có thể gửi đến người bào chữa, người đại diện hợp pháp của ông Cang, đồng thời niêm yết công khai tại địa chỉ cuối cùng mà ông Cang cư trú.

Trường hợp cần thiết, việc triệu tập có thể thực hiện theo lệnh truy nã của cơ quan có thẩm quyền.
Thứ 2, về việc xét xử. Thông thường, việc xét xử phải có mặt của bị cáo, nếu bị cáo trốn tránh thì Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, và yêu cầu cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
Tuy nhiên, nếu ông Cang trốn tránh, và việc truy nã không có kết quả, hoặc ông Cang vẫn ở nước ngoài và không thể triệu tập, thì Tòa án vẫn có thể xét xử vắng mặt bị cáo theo đúng quy định tại Khoản 2 Điều 187 Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành.
– Ngày 12/12/2013, Viện KSND tối cao đã có quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang. Nhưng sau đó TAND lại đề nghị điều tra bổ sung. Sự thiếu thống nhất trong quan điểm của các cơ quan tố tụng khiến dư luận đặt ra câu hỏi nghi ngờ, ý kiến của cá nhân luật sư về vấn đề này?
Về điều này, mọi người đều có thể nhận thấy sự thiếu thống nhất trong cách giải quyết vụ việc của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là giữa CQĐT, TAND và VKS.
Tuy nhiên, theo tôi, ở góc độ nhất định, sự thiếu thống nhất này là một ưu điểm, nó thể hiện rõ tính độc lập giữa 2 nhóm cơ quan là Cơ quan Điều tra, truy tố và Cơ quan Xét xử.
Khi có sự độc lập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, thì việc bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo và bị hại được khách quan và công bằng hơn – bởi nó tránh cho tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các cơ quan tiến hành tố tụng như trước đây vẫn thường nói.
Đối với vụ việc này, sự thiếu thống nhất đã rõ, nhưng vấn đề ở chỗ, bên nào là bên có vấn đề: VKS có thiếu sót? hay Tòa án đã quá cẩn thận?

Vụ bầu Kiên: Viện kiểm sát thiếu sót hay Tòa quá cẩn thận? - Ảnh 3

Ông Phạm Trung Cang đã có đơn giải trình gửi về từ Mỹ
Có một cuộc “đào tẩu” do “mật báo” giống như Dương Chí Dũng?
– Luật sư có cho rằng rất có khả năng hành động xuất cảnh của ông Cang cũng gần giống như cuộc “đào tẩu” của Dương Chí Dũng, tức là đã có người tiến hành “mật báo”?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, mọi khả năng đều có thể xảy ra, tuy nhiên, thực hư ra sao phải chờ vào kết quả của cơ quan điều tra.
– Khi có quyết định trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, thì thời gian điều tra bổ sung tối đa là bao nhiêu lâu?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, thì thời hạn điều tra bổ sung cho trường hợp trên tối đa là 1 tháng, và Tòa án HN cũng chỉ được phép ra QĐ trả hồ sơ điều tra bổ sung tối đa là 2 lần.
– Theo quy định của pháp luật, nếu phát hiện ra dấu hiệu phạm tội nhưng trước đó VKS lại đình chỉ vụ án thì giải quyết như thế nào?
Đây là 1 vấn đề mà bản thân tôi cũng như nhiều chuyên gia pháp lý khác đang băn khoăn với nhiều tranh luận. Đó là trong vụ án này, hiện tại Phạm Trung Cang đã có quyết định đình chỉ vụ án của VKSTC ngày 12/12/2013.
Với quyết định đình chỉ vụ án này – khi đã có hiệu lực pháp luật, thì ông Cang không thể bị khởi tố về hành vi mà QĐ này đã nêu.
Bởi lẽ, khoản 4 Điều 107 Bộ luật tổ tụng HS hiện hành quy định: “Không được khởi tố vụ án hình sự khi: Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;”
Như vậy, trừ trường hợp, trong QĐ đình chỉ vụ án nói trên, chỉ nhắc đến 1 hành vi nhất định của Cang, thì những hành vi phạm tội khác (không nêu trong QĐ) vẫn có thể tiếp tục bị khởi tố và xét xử.
Tuy nhiên, với quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND Hà Nội, thì có một giả thiết được nhiều người đặt ra rằng, ông Cang vẫn có thể bị khởi tố theo những lập luận logic nào đó của Tòa.
– Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý, luật sư có những đánh giá gì về vụ đại án ở ngân hàng ACB?
Đây là 1 vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội vì vậy, nó cần thiết phải được điều tra một cách chi tiết, kỹ lưỡng, và đảm bảo xét xử đủ người, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Tất cả những điều này đều trông cậy vào các hoạt động tố tụng sáng suốt công minh của các Cơ quan điều tra, truy tố và xét xử của Nhà nước, đây sẽ là nền tảng cho một xã hội công bằng, bình đẳng, và pháp quyền.
– Xin cảm ơn luật sư!
Theo tin tức mới nhất nhận được, VKSND Tối cao vừa ra quyết định phục hồi điều tra đối với ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB về hành vi “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, thành viên thường trực HĐQT Ngân hàng ACB để điều tra về hành vi “cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như báo Pháp luật Việt Nam đã đưa tin, ngày 21/1, từ Mỹ, ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB), đã gửi bản giải trình đến VKSND Tối cao nói rằng hiện ông đang tìm cách về Việt Nam sớm nhất để đến cơ quan điều tra Bộ Công an và VKSND Tối cao theo giấy triệu tập.
Minh Hiền (thực hiện)

Theo báo Đời sống Pháp luật: http://www.doisongphapluat.com/phap-1uat/an-ninh-hinh-su/vu-bau-kien-vien-kiem-sat-thieu-sot-hay-toa-qua-can-than-a19162.html#.UxnVVs7ANrN

Fanpage vietkimlaw