Giọng người đàn ông đi cùng tài xế hỏi bác sĩ: “Giờ sao?”. Tài xế thì nói: “Nhờ có xe cấp cứu chuyển giùm”. Nhóm bác sĩ, nhân viên bảo giờ phải có người nhà nên tài xế bảo người đàn ông: “Vậy tôi chở anh đi luôn”.
Chiều 19/10, Thanh Niên liên hệ với ông Nguyễn Văn Trường – Trưởng phòng Y tế H.Hóc Môn, để tìm hiểu sự việc vừa nêu. Sau đó, ông Trường thông báo có đến phòng khám trên để kiểm chứng vụ việc và thông tin như sau: Đúng là đêm 11/10, có một người bị tai nạn được đưa đến Phòng khám đa khoa Bà Điểm bằng taxi. Bác sĩ, nhân viên phòng khám có chạy ra định khiêng nạn nhân vào, nhưng thấy tình trạng bệnh nhân nặng quá, bất tỉnh nên bảo taxi chở nạn nhân đi bệnh viện.
Về việc nạn nhân sau đó bị tử vong, ông Trường nói, do ngày cuối tuần chủ phòng khám đi vắng, chúng tôi chưa làm việc trực tiếp được, mà chỉ thông qua nhân viên phòng khám, nên chưa rõ hết được./.
Theo Thanh Tùng/Thanh Niên
BÌNH LUẬN:
Trên cơ sở những thông tin ban đầu mà báo chí đưa tin, dưới góc nhìn những người hành nghề luật và trên cơ sở luật pháp thì việc Bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân như vậy có đúng pháp luật không? Người nhà nạn nhân có thể khởi kiện bệnh viện này đòi bồi thường thiệt hại được không? Và việc từ chối của bác sĩ trong trường hợp này có cấu thành “tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo quy định tại điều 102 Bộ luật hình sự hay không?
Thứ nhất: Về phương diện Luật khám chữa bệnh và phương diện đạo đức
Bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân như vậy có đúng pháp luật không?
Theo điều 32 luật khám chữa bệnh quy định về quyền từ chối khám bệnh chữa bệnh như sau:: “Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Như vậy, việc từ chối khám bệnh, chữa bệnh, không tiến hành sơ cứu, cấp cứu là việc làm không đúng quy định tại Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
Mặt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 35. Nghĩa vụ đối với người bệnh “ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này”. Trong trường hợp người bệnh nguy kich, ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe thì bác sĩ phải có nghĩa vụ sơ cứu, cấp cứu kịp thời không được chần chừ. Thế nhưng vị bác sĩ trong bệnh viện này lại phải yêu cầu có người nhà mới cấp cứu. Như vậy là trái với quy định tại điều 35 Luật khám chữa bệnh.
Về phương diện đạo đức thì việc những bác sĩ này từ chối cấp cứu là trái với lương tâm, đạo đức, quy chuẩn của những người hành nghề “cứu người”.
Thứ hai: Về việc khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại có được được không?
Theo báo chí đưa tin thì công văn của Bộ Y tế cho thấy các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm (nếu có), bệnh viện hay cá nhân những người vi phạm có thể sẽ bị xử lý theo các quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp vi phạm bị xử lý về mặt hành chính: Người vi phạm nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”. Căn cứ khoản 6 Điều 25 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định đây là dạng “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Việc khởi kiện (nếu xảy ra) được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Trong trường hợp vụ việc bị xử lý về hình sự, bên kiện đòi bồi thường thiệt hại được gọi là “nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự”. Điều 52 Luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự “có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”; “có quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu”; “được thông báo về kết quả điều tra”; “được đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường; “được tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà” để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; có quyền “kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần bồi thường thiệt hại.
Thứ ba: Dưới góc độ Hình sự
Việc bác sĩ Phòng khám đa khoa Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) từ chối cấp cứu cho một người bệnh, vì lý do không có người nhà đi cùng. Người này đã tử vong sau khi chuyển đến một bệnh viện khác có cấu thành tội không cứu giúp người khác đang trong ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không?
Theo quy định tại điều 102: “Tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” của bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: “. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Xét về mặt Dấu hiệu pháp lý
Khách thể:
Hành vi phạm tội này xâm phạm tính mạng của con người một cách gián tiếp. Trong trường hợp này các bác sĩ phòng đa khoa Bà Điểm có đầy đủ về phương diện trình độ, kỹ thuật, chuyên môn….để tiến hành cứu người tai nạn nhưng họ lại không tiến hành cứu giúp và dẫn đến cái chết của người tai nạn là xâm phạm một cách gián tiếp đến tính mạng của họ.
Mặt khách quan:
+ Người phạm tội là người có hành vi (không hành động) không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe doạ, đòi hỏi sự cứu giúp kịp thời của người khác, nếu không sẽ dẫn đến hoặc có thể dẫn đến hậu quả chết người. Sự nguy hiểm này có thể do tai nạn bất ngờ; do những rủi ro khác hoặc do bị bệnh tật đòi hỏi phải được cấp cứu kịp thời. Sự nguy hiểm đến tính mạng có thể do bên ngoài đưa lại hoặc có thể do chính bản thân người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tự gây ra
+ Người phạm tội là người có đủ điều kiện và khả năng để cứu giúp, ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra. Điều kiện này có thể do bẩm sinh, học tập, nghề nghiệp, hay khách quan mà có được. Việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân người cứu giúp cũng như người khác. Khả năng của bản thân cũng như các điều kiện bên ngoài khác hoàn toàn cho phép người phạm tội cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng người phạm tội đã không cứu giúp, không làm việc mà pháp luật cũng như đạo đức đòi hỏi.
Như vậy xét toàn bộ hoàn cảnh, điều kiện trong trường hợp này các bác sĩ không tiến hành việc cứu chữa bệnh mà lại tỏ ra thờ ơ, không hành động, yêu cầu người nhà có mặt thì mới cứu chữa thì đã đủ yếu tố cấu thành về mặt khách quan của tội phạm.
Hậu quả:
Người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đã chết. Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Trong trường hợp này người bị tai nạn đang trong tình trạng nguy kịch nhưng bác sĩ của phòng khám không cứu chữa và buộc những người có mặt đưa người bị tai nạn đến bệnh viện thì người bị tai nạn đã chết.
Quan hệ nhân quả:
Quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp người khác đang trong tình trạng
nguy hiểm đến tính mạng và hậu quả chết người cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hậu quả chết người đã xảy ra do nạn nhân không được cứu giúp; nếu được người phạm tội cứu giúp, hậu quả đó sẽ không xảy ra. Do việc các bác sĩ yêu cầu có mặt gia đình bị hại mới cứu chữa nên dẫn đến hậu quả chết người khi chuyển đến bệnh viện khác do không được cứu chữa kịp thời.
Mặt chủ quan:
Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đòi hỏi cần được cứu giúp, nếu không được cứu giúp nạn nhân sẽ chết, mình có đủ điều kiện cứu giúp, có đủ điều kiện có thể ngăn chặn hậu quả chết người nhưng đã không cứu giúp.
Trong trường hợp này, là những người hành nghề cứu người nên họ phải nhận thức được việc nếu không cứu người kịp thời, ngay tức khắc thì người đang trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng sẽ chết. Thế nhưng họ vẫn kéo dài thời gian, yêu cầu những người thân của họ phải có mặt trong khi họ có đủ điều kiện cứu giúp, đủ điều kiện ngăn chặn hậu quả chết người xảy ra.
. Chủ thể: là chủ thể thường, người có năng lực trách nhiệm hình sự (người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể chịu trách nhiệm hình sự theo Điều này). Trong vụ việc này những bác sĩ đã đủ độ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, xét toàn bộ nội dung vụ việc xảy ra, việc các bác sĩ bệnh viện Phòng khám đa khoa Bà Điểm (H.Hóc Môn, TP.HCM) từ chối cấp cứu cho một người bệnh, vì lý do không có người nhà đi cùng. Người này đã tử vong sau khi chuyển đến một bệnh viện khác đã cấu thành tội không cứu giúp người khác đang trong ở tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại điều 102 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
CÔNG TY LUẬT VIỆT KIMl Hot: 0975.999.836